GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU VỀ VIỆN BẢO TỒN DI TÍCH

                                                                                                                                                                                                                    

      Viện Bảo tồn di tích được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích (theo Quyết định số 123/TTg ngày 1/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức lại các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin) là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và tư vấn bảo tồn di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     Ngay từ khi mới thành lập, Viện Bảo tồn di tích đã được định hướng sẽ là một Viện nghiên cứu với các chức năng, nhiệm vụ trọng tâm sau: Nghiên cứu khoa học chuyên ngành về di tích và công tác bảo tồn di tích; Đề xuất các tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo tồn di tích; Nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định chiến lược chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước. Thời gian qua, khối lượng công việc do Viện đảm nhiệm luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Thành quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp những luận cứ khoa học quan trọng trong việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như xây dựng những tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực bảo tồn di tích. Viện đã tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích ở Việt Nam, thể hiện trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và những hoạt động tư vấn trong lĩnh vực bảo tồn di tích. Các đề tài nghiên cứu do Viện thực hiện đã được áp dụng vào sản xuất, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển văn hóa những năm qua. Ngoài công tác nghiên cứu khoa học nêu trên, Viện còn thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo tồn di tích, xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích tại Việt Nam, xuất bản các ấn phẩm về di tích và công tác bảo tồn di tích…

     Với bề dày lịch sử hơn 40 năm, Viện Bảo tồn di tích đã và đang phát triển bền vững, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngoài công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, Viện Bảo tồn di tích còn thực hiện có hiệu quả nhiều công việc về quy hoạch, lập dự án, thiết kế, giám sát kỹ thuật và thi công các di tích và khu di tích quan trọng, như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Điện Biên Phủ, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), đình Chu Quyến, tường Hành cung phía Tây - Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), đền Ngọc Sơn (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long (Thừa Thiên Huế), đền Lăng (Hà Nam), đình Diềm (Bắc Ninh), đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc)...

     Trong những năm qua, cùng với sự phát triển đi lên, Viện đã xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức và người lao động có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng năng lực và đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, Viện có 48 người, trong đó có 2 người có trình độ tiến sĩ, 17 thạc sĩ, 26 đại học, cao đẳng, và các trình độ khác. 

     Phương châm hoạt động của Viện Bảo tồn di tích là: Xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp có năng lực, tận tâm với nghề, thực hiện các công việc với chất lượng cao, góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.